Quả mơ được biết đến là một loại quả quen thuộc, dinh dưỡng, chứa nhiều loại vitamin đặc biệt là vitamin A và vitamin C, các loại Axid Citric và muối khoáng có tác dụng cân bằng sự thẩm thấu giữa các tế bào và máu, kích thích ăn ngon miệng và tiêu hóa. Từ xa xưa, người dân dùng mơ để làm rượu, tạo nên thức uống thanh cao, tươi mát và bổ dưỡng. Rượu mơ được xem là “công chúa của các loại rượu”.
Từ xa xưa mơ được nhiều dân tộc trên thế giới, nhất là ở phương Đông biết đến, không chỉ trong đồ ăn thức uống mà còn là vị thuốc. Mơ nói chung và mơ Yên Tử nói riêng với màu vàng óng tỏa mùi hương và vị chua đặc biệt đã có tác dụng kỳ diệu làm dịu cơn khát. Trong quả mơ đã có sẵn tính chất “sinh tân chỉ khát” tuyệt vời được ghi nhận từ rất xa xưa.
Đông y gọi quả mơ là mai tử, vị chua, tính bình. Mai tử vào các kinh can, tỳ, phế, đại tràng.
Trong thịt quả mơ có nhiều loại vitamin, đặc biệt là vitamin A và vitamin C, acid citric, đường, chất nhầy, muối khoáng. Bạch mai (mơ muối) có tác dụng cân bằng sự thẩm thấu giữa tế bào và máu, kích thích ăn ngon.
CÁCH DÙNG VÀ TÁC DỤNG CỦA MƠ
– Nước quả mơ tươi pha đường hoặc nước mơ ngâm đường pha nước uống giải khát rất tốt, tăng sức bền bỉ, chống mệt mỏi, giảm mất mồ hôi, đỡ mệt mỏi, ăn ngon miệng, ít bị rối loạn tiêu hóa.
– Rượu mơ cũng có tác dụng tương tự, giúp ăn ngon, tiêu cơm, thịt, chất béo và tăng thị lực, dùng vào mỗi bữa ăn với 1 chén con 25-30ml. Rượu mơ xanh, tính hàn, vị ấm, chữa kém ăn, bụng có giun. Vang mơ có thể uống gấp đôi.
– Chế thành diêm mai, ô mai và rất nhiều loại mứt, kẹo ăn, ngậm cho thơm miệng khi bị ngứa họng, buồn nôn, ho, có đờm.
– Chữa răng đau nhức: quả mơ chín giã nát đắp vào răng.
– Đau bụng giun: 300g bạch mai, 3 thìa đường sắc nước uống.
– Trúng phong, răng nghiến chặt, dùng ô mai đánh gió, chà răng.
– Giải rượu: dùng mơ nấu với trà uống (rất hay).
– Làm đẹp da, ở một số nước Âu Mỹ dùng thịt quả mơ phối hợp quả lê chế thành mặt nạ đắp mặt, cổ trước khi đi ngủ vài giờ làm mất hết nếp nhăn “da sẽ rất đẹp” (phương pháp của bà Barbara Liebhart Heinerman – Mỹ).
– Mụn cóc (hạt cơm) trên da: ô mai 30g ngâm nước muối 24g (bỏ hạt) và ít giấm nghiền mịn đắp lên mụn cơm.
– Rượu thanh mai (mơ xanh) chữa phong thấp (trong uống ngoài xoa) nôn mửa, đau bụng, phòng cảm nắng ra mồ hôi tay chân.
– Giữ thức ăn khỏi ôi thiu vào mùa nóng nực, có tác dụng sát khuẩn và ký sinh vật.
– Bạch mai có trong nhiều bài thuốc chữa cảm mạo, bệnh về hô hấp, đại tiện ra máu, kinh nguyệt ra nhiều, tiêu chảy phân nát, viêm kết tràng, sa hậu môn, ra mồ hôi nhiều, tiểu tiện không tự chủ, bệnh đái tháo đường, sỏi mật, viêm túi mật, bệnh khớp, thiếu máu, các bệnh về tai (ù tai).
MỘT SỐ BÀI THUỐC
– Chữa ho lâu ngày: Bạch mai 20g, cát cánh 10g, mạch môn 10g, cam thảo 5g, trần bì 10g, hoàng kỳ 20g, 2 bát nước sắc còn 1/2 bát, chia 2 lần uống trong ngày.
– Đái tháo đường, không tự chủ được tiểu tiện: Bạch mai, thục địa, hoài sơn, đan phiến, ngũ vị tử. Mỗi loại 10g. Nhục quế 2g. Sắc uống.
– Sỏi mật, viêm đau túi mật: Bạch mai, cam thảo chế, kim tiền thảo, hải kim sa, diên hồ tố, kê nội kim. Mỗi loại 15g sắc uống.
– Đi lỏng dài ngày do tỳ hư: Bạch mai, bạch truật, kha tử, đảng sâm, mỗi loại 10g sắc uống.
– Ra mồ hôi trộm: Bạch mai, hoàng kỳ, ma hoàng căn, đương quy. Mỗi loại 10g sắc uống.
– Miệng khô khát phiền nhiệt: Bạch mai, thiên hoa phấn, ngọc trúc, thạch hộc. Mỗi loại 6g sắc uống.
– Tẩy giun đũa: Bạch mai 10g, xuyên tiêu 6g, gừng 3 lát sắc uống.
– Ù tai (có tiếng vo ve trong tai): Nghiền hay ép mấy nhân hạt mơ lấy ít dầu nhỏ vào lỗ tai (kinh nghiệm dân gian của Pháp).
NHÂN HẠT MƠ (HẠNH NHÂN)
Dùng phần thịt quả rồi thì nhớ không vứt nhân hạt, nên giữ lại để làm thuốc chữa ho, khó thở rất đơn giản mà hiệu nghiệm. Nhân hạt mơ còn có nhiều công dụng khác mới được phát hiện rất quý để chữa những bệnh nan y như các loại ung thư. Trên thế giới dân tộc nào dùng mơ và hạt mơ làm thức ăn và thuốc thì có tỷ lệ bệnh ung thư thấp (phổi, thực quản, tuyến tiền liệt, tử cung). Nhân hạt mơ chứa nhiều vitamin E làm thức ăn và mỹ phẩm chống oxy hóa, chống lão hóa.
Hạnh nhân là một vị thuốc quý để chữa nhiều bệnh ngoài da bằng cách bôi ngoài hoặc uống. Nhiều bệnh trong phủ tạng cũng dùng hạnh nhân chữa có hiệu quả, đặc biệt là phổi có co thắt gây khó thở như viêm phế quản thể hen. (Ho không khó thở không dùng hạnh nhân). Hạnh nhân Trung Quốc đã được nghiên cứu về thành phần hóa học và có tác dụng dược lý. Giống cây hạnh này chưa tìm thấy ở Việt Nam (Prunus armeniaca Linn. Var Ansu Maxim) còn cây mơ Việt Nam (Ameraca vulgaris Lám) chưa được nghiên cứu đầy đủ mà chỉ mới sử dụng dựa vào tài liệu cổ, kinh nghiệm dân gian và các lương y.
Hạnh nhân Trung Quốc ta đang nhập làm thuốc chia làm hai loại:
– Khổ hạnh nhân (hạnh nhân đắng) có tên như trên, chủ yếu làm thuốc (công nhiều hơn bổ).
– Điềm hạnh nhân (hạnh nhân ngọt) chủ yếu làm thức ăn hoặc để làm thuốc bổ dưỡng (bổ nhiều hơn công).
Nhân hạt mơ được dùng ngày càng nhiều nên đã xuất hiện nhiều hạnh nhân giả bằng đủ các loại nhân hạt, rất khó phân biệt. Cần tham khảo ý kiến của những người có kinh nghiệm.
Hiện nay khi rượu mơ Yên Tử đã được khách hàng đánh giá cao về chất lượng, từng bước khẳng định thương hiệu, Nhà máy bia Thăng Long đang có kế hoạch mở rộng sản xuất nhưng khó khăn đặt ra là vấn đề thiếu nguyên liệu. Việc sản xuất rượu mơ hiện nay của Nhà máy vẫn chỉ dựa trên việc thu mua nguyên liệu nhỏ lẻ của nhân dân trong vùng. Vì thế, để sản phẩm rượu mơ Yên Tử phát triển bền vững, gắn với việc phát triển du lịch thì việc khôi phục vùng nguyên liệu sản xuất là vấn đề thị xã Uông Bí cần quan tâm hơn nữa.