Thác Dải Yếm hay thác Nàng là một trong những danh thắng của Mộc Châu, có cái tên dịu dàng như vậy bởi nhìn từ xa, thác như một “dải yếm” hững hờ nối trời và đất Thác Dải Yếm khởi nguồn từ 2 khe nước Bó Co Lắm và Bo Tá Cháu, chảy từ hang đá ở địa đầu bản Vặt, nơi có lịch sử lâu đời nhất ở vùng đất này khi tộc người Thái đến định cư nơi đây. Nước từ nguồn trong núi chảy ra tạo thành suối Vặt, len lỏi khoảng 5 km thì hòa vào dòng chảy của suối Bó Sập giáp biên giới Việt – Lào chảy về đất Mộc Châu tạo thành thác nước giữa ngàn xanh.
Đường vào thác Dải Yếm, bạn sẽ đi bộ xuyên qua cánh rừng thưa, tuy nhiên đường đã được làm lại dễ đi hơn, không còn cảnh phải “bò” xuống suối như cách đây vài năm. Hết con đường bê tông nhỏ, đã nghe tiếng thác nước ầm ào mời gọi. Xuống vài bậc tam cấp, sau khúc quanh, khoảng không gian mở ra trước mắt là dòng thác Dải Yếm từ trên cao đổ xuống lòng sông như dải lụa mềm mại, lấp lánh dưới ánh mặt trời.
Thác có chiều cao khoảng 100m, chia làm hai nhánh, một bên 5 tầng và một bên có tới 9 tầng như “chín bậc tình yêu” trong truyền thuyết thác Dải Yếm. Một chuyến dã ngoại đến đây vào mùa hè nắng nóng, tổ chức picnic bên không gian mát lạnh của dòng thác thì thật là sảng khoái.
Đường đi Thác Dải Yếm ở đâu – từ trung tâm thị trấn Mộc Châu, đi hướng về phía Sơn La, đến ngã ba đi cửa khẩu Lóng Sập thì rẽ. Từ đây, đường tách biệt hẳn với quốc lộ 6, đi khoảng 5 km nữa là đến thác Dải Yếm.
Để có thể chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp của Thác Dải Yếm, du khách nên đến đây vào tháng 4 đến tháng 9, bởi đây là mùa nước đủ, toàn bộ thác rộng 70m là một màn nước trắng xóa đổ xuống vừa mạnh mẽ vừa hùng vĩ tạo ra cảnh quan thơ mộng. Nhìn từ xa, thác như một “dải yếm” vắt ngang qua triền đồi được ánh nắng nhuộm vàng màu mật ong. Ngược theo suối một đoạn một lòng suối rộng với hàng ngàn viên đá, tảng đá mang muôn hình vạn trạng khác nhau, nhìn rất lạ mắt.
Từ thác Dải Yếm đi ngược trở lại quốc lộ 43 khoảng 600m, rẽ về phía tay phải đi theo con đường dân sinh khoảng 300m du khách sẽ đến Bản Vặt. Đây là một bản có lịch sử lâu đời nhất của tộc người Thái, trong bản có các dòng họ: Sa, Hà, Hoàng… cư dân trong bản vẫn lưu giữ được các yếu tố tộc người truyền thống như: nhà sàn và cách bài trí trong nhà, trang phục truyền thống; kinh tế ruộng nước và nương dãy, nghề dệt thổ cẩm và văn hóa ẩm thực, dân cư ở đây vẫn giữ được giá trị văn hóa nghệ thuật lâu đời. Ở Bản Vặt còn một số di vật liên quan đến chùa như hồ nước của nhà chùa tiếng địa phương gọi là “Noong Buông” nghĩa là hồ sen là nơi tắm rửa tượng phật vào dịp cuối năm. Nếu có dịp đến du lịch Mộc Châu nhất định phải ghé qua các địa danh để khám phá nhé.