Tìm hiểu mô hình trồng cói ở Vĩnh Thái Nha Trang

Cây cói (hay còn gọi là cây lác) dùng để dệt chiếu và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, được trồng phổ biến ở một số xã ngoại thành Nha Trang. Hôm nay tạp chí du lịch xin giới thiệu với bạn về mô hình trồng cói ở Nha Trang. Hiện toàn thành phố có hơn 5 ha trồng cói, loại bông trắng, thân tương đối tròn, dáng mọc hơi nghiêng, cao từ 1,5-2,0m, sợi chắc, trắng và bền. Cói bông trắng cho thu hoạch sau 5 tháng trồng, mỗi năm 2 vụ, năng suất bình quân đạt từ 1- 1,8 tấn/sào. Với giá cói hiện tại là 19.000 đồng/kg (đối với cây cao từ 1,6m trở lên), sau khi trừ chi phí nông dân thu lãi khoảng 12.000 đồng/kg. Việc thu hoạch được xử lý tại chỗ thành nguyên liệu là cọng lát khô. Ở các vùng làm chiếu, một số hộ nông dân đang tiến hành trồng cói nhằm để chủ động nguồn nguyên liệu và tiết giảm chi phí đầu vào, thay vì phải đi mua nguyên liệu chế biến sẵn từ các địa phương khác như trước đây.
 
Ông Võ Bời – Xã Vĩnh Thái – khu du lịch Nha Trang cho biết: “Ưu điểm cây cói làm đất xuống một lần, một năm cắt 2 lứa chính không tốn tiền thuốc trừ sâu, chỉ cần rải phân một đợt mà mỗi một lần rải ở 1 sào cho mỗi lần cắt là chưa tới 15 kg phân, thành ra không bỏ được nghề truyền thống này. Tự tôi trồng mình sản xuất ra giống luôn, không có mua giống nữa”.

Chiếu cói Nha Trang

Chiếu cói Nha Trang

Cói thích hợp trồng trên đất thịt, đất phù sa ven biển. Đất trồng cói phải chủ động nước tưới. Ở chân ruộng có nước mặn, phải tưới nước thường xuyên.Làm cói chỉ vất vả vụ đầu, những vụ tiếp theo có thể chủ động được nguồn cây giống bằng hình thức lưu gốc. Sau thu hoạch, nông hộ chỉ cần để nguyên phần gốc, vét sạch lá úa là có thể làm vụ tiếp theo. Đặc biệt, cói là cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, trồng 1 lần có thể thu hoạch từ 7-10 năm. Hiện nay tại Khánh Hòa có nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ nên việc tiêu thụ nguyên liệu cói cũng rất dễ dàng cho bà con.
 
Theo anh Trần Khắc Trung – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thái – Nha Trang: “Nói chung cây cói ban đầu trồng hơi khó đến vụ thu hoạch xong nó nứt lên thôi. Mình làm chỉ khổ lúc ban đầu, xong mình rải phân để đến thời vụ mình cắt thôi. Hiện nay xã vận động nhân dân trồng cũng rất nhiều vì đa số người dân sống bằng nghề nông nghiệp thì bà con cũng đang đầu tư để có cây cói dệt chiếu”. Gần đây còn có cả làng nghề gốm Lư Cấm cũng rất nổi tiếng về nghề làm gốm. Du khách khá thích thú với làng nghề này.

Khánh Hòa có rất nhiều vùng đất kém màu mỡ, trồng hoa màu kém hiệu quả là điều kiện thuận lợi để mô hình trồng cói phát triển. Ngoài việc tăng thu nhập cho bà con nông dân, việc trồng cói còn giúp chủ động nguồn nguyên liệu cho các làm nghề và vào vụ thu hoạch, còn góp phần giải quyết một lượng lao động nhàn rỗi từ việc chế biến nguyên liệu cói. Để nâng cao chất lượng cói, trong quá trình trồng cần làm cỏ thường xuyên để cói có thể mọc tốt, đem lại năng suất cao. Hiện nay xã Vĩnh Thái Nha Trang đang có kế hoạch xây dựng một vùng chuyên trồng cói để duy trì nghề làm chiếu của địa phương.

 
 

Share this Post