Đặc sặc phong cách Cung đình Huế

Kiến trúc dinh thự, cung đình Huế có đặc điểm là không vươn lên cao mà dàn trải theo bề rộng. Các lớp lang kiến trúc hòa nhập vào thiên nhiên, ẩn hiện trong cây xanh, cỏ mượt, nước biếc.
Trong 27 năm (1805-1833) Kinh thành Huế đã xây dựng trên 140 công trình lớn nhỏ, phân bố trong chín khu vực riêng biệt, cách nhau bởi những vòng tường thành và cổng. Mỗi khu vực có chức năng khác nhau đã tạo nên những không gian nhỏ ấm cúng và đạt được vẻ trang trọng, nghiêm mật đúng độ cho từng khu, từng công trình.

cung đình Huế

Cung đình Huế

Các công trình quan trọng trong Kinh thành có quy mô to rộng, được bố trí đối xứng trên trục trung tâm Nam – Bắc, tức đường Dũng đạo. Từ Nam sang Bắc có: Kỳ Đài, Ngọ Môn, sân Đại Triều Nghi, điện Thái Hòa, sân Bái Mạng, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, điện Khôn Thái, điện Kiến Trung, cửa Hòa Bình. Bộ mặt Hoàng thành là những công trình chính yếu phục vụ các cuộc đại lễ, thiết triều quan trọng như Ngọ Môn, sân Đại Triều Nghi, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, điện Khôn Thái, điện Kiến Trung được thiết kế đa dạng, mỗi công trình một kiểu dáng, đường nét, hình khối kiến trúc phong phú, trang trí nội ngoại thất hết sức tinh xảo với mật độ dày đặc từ trong ra ngoài, từ thấp lên cao.

Nhìn vào kiến trúc Ngọ Môn có cảm giác một cổng thành với nền tảng vững chãi, khỏe khoắn, kẻ thù trông thấy phải chùn bước. Song phần lầu Ngũ Phụng bên trên lại như một lễ đài rất bay bổng, mềm mại, gồm 9 bộ mái lợp ngói ống hoàng lưu ly và thanh lưu ly, cao thấp, to nhỏ, màu sắc khác nhau, mang đậm nét kiến trúc truyền thống. Tuy là hai khối kiến trúc nặng (đá) nhẹ (gỗ) tương phản nhau cả về hình khối kiến trúc và vật liệu xây dựng, song lại rất hài hòa với nhau từ tổng thể đến chi tiết. Tính hiện đại và dân tộc đã hòa quyện vào nhau nhuần nhuyễn trong công trình kiến trúc Ngọ Môn – Bộ mặt tiêu biểu của Kinh thành Huế.
Vào trong Đại Nội, nổi bật hơn tất cả là công trình điện Thái Hòa – nơi đặt ngai vàng của vua. Công trình này mang tính trọng tâm trọng điểm của Kinh thành, có quy mô rộng lớn, đồ sộ, khang trang, lộng lẫy, bề thế, hình khối kiến trúc đa dạng, nội dung hình thức trang trí, màu sắc rất phong phú. Tổ chức không gian điện Thái Hòa gần gũi với sân Đại Triều Nghi và hồ Thái Dịch phía trước, vườn hoa, cây xanh, thảm cỏ hai bên.

Nơi ở, sinh hoạt của vua và gia đình như điện Càn Thành, điện Kiến Trung, điện Thọ Ninh, điện Khôn Thái, cung Diên Thọ, cung Trường Sinh, Duyệt Thị đường, Thái Bình lâu, Nhật Thành lâu, vườn Thượng Uyển… là hệ thống các công trình có nội dung phong phú, chứa đựng nhiều yếu tố của nhà ở dân gian. Nhiều tiểu cảnh được tổ chức khéo léo và tinh xảo, tạo nên những góc đẹp.

Trong Hoàng thành còn có năm miếu thờ, mỗi miếu có một kiến trúc khác biệt nhau. Thế Miếu là nơi thờ mười vua triều Nguyễn, do vậy mà các công trình kiến trúc được chú trọng đặc biệt. Nổi bật nhất là Hiển Lâm Các, cấu trúc gỗ truyền thống với ba tầng cao, tương đương với Ngọ Môn, là công trình đẹp và cao nhất ở Hoàng thành.

Miếu MônThế Miếu với 36 lá mái mềm mại, những hình đắp nổi và màu sắc kỳ diệu, là một trong những cửa đẹp nhất ở Hoàng thành. Ở đây còn có những kiệt tác khác, đó là Cửu Đỉnh. Chín cái đỉnh đồng, mỗi đỉnh mang một chữ trong miếu hiệu của một ông vua nhà Nguyễn: Cao, Nhân, Chương, Anh, Nghị, Thuần, Tuyên, Dụ, Huyền. Trên mỗi đỉnh có hàng chục hình chạm nổi thể hiện vũ trụ, thiên nhiên rất đặc sắc.

 
 

Share this Post